Ngưỡng Sơn vẽ một đường

Qui Sơn nói với đệ tử là Ngưỡng Sơn, “Suốt ngày ông với tôi đều nói chuyện Thiền. . .

Fugai: Cả hai vị đều có lưỡi chứ?

Cuối cùng chúng ta đã làm được gì?”

Fugai: Lời nói vô hình.

Ngưỡng Sơn dùng ngón tay vẽ một đường trong hư không.

Fugai: Sao ông lại mang phiền phức như thế?

Qui Sơn nói tiếp, “Đối với tôi thì tốt đấy. Ông có thể lừa người khác.”

Fugai: Ông thầy chơi thua rồi.

Genro: Có hàng trăm hàng ngàn phép định tam muội và vô số đạo lý trong Phật pháp, nhưng tất cả gồm trọn trong đường vẽ của Ngưỡng Sơn. Nếu ai muốn biết cái gì ở bên kia các phép định tam muội hay sàn lọc lấy đạo lý hay nhất, hãy xem những gì tôi đang làm đây.

Fugai:

Bắt chước dở quá!

Genro:  

Thần thông của hai ông
Hơn cả Mục-kiền-liên.
[Fugai: Cả hai đều là ảo tưởng].

Suốt ngày mê trận giả;
[Chiến trường ngay tại chỗ].

Rốt cuộc làm được gì?
[Không lời, không ý nghĩ]

Một ngón tay xoi lỗ
Ngay vào trong hư không.
[Vụng nhất thiên hạ. Khi mây tan,
bầu trời vô hạn].

Như Huyễn: Một hôm Qui Sơn đang ngủ trưa thì Ngưỡng Sơn đến tham bái. Qui Sơn còn ngái ngủ quay mặt vào tường. Ngưỡng Sơn hỏi, “Sao hòa thượng làm vậy?” Qui Sơn đáp, “Tôi vừa có một giấc mộng, ông có thể giải thích được chăng?” Ngưỡng Sơn bỏ đi ra khỏi phòng, rồi vài phút sau trở lại với thau nước lạnh cho thầy rửa mặt. Chẳng bao lâu sau đó Hương Nghiêm cũng đến chào thầy, ngay đó Qui Sơn hỏi, “Sư huynh của ông vừa giải thích giấc mộng của tôi. Ông giải thích thế nào?” Hương Nghiêm lặng lẽ bỏ đi và trở lại với tách nước trà cho thầy. Qui Sơn phê bình, “Hai ông tăng các ông đã biểu diễn thần thông giống như Mục-kiền-liên. Người ta cho rằng Mục-kiền-liên biểu diễn thần thông, nhưng tôi phải mừng Phật Thích Ca Mâu Ni có hai đệ tử giỏi như vậy ở Trung hoa hai ngàn năm sau khi nhập diệt.”